Xôi làng Phú Thượng giữa Sài Gòn
Từ chiếc xe bán trên vỉa hè, cho khách mang đi hoặc mua online vào năm 2020, vợ chồng anh Thành Long (gốc Hà Nội) đến nay đã mở hai cửa hàng phục vụ tại chỗ trên đường Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh và đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1. Anh cho biết đang cân nhắc một số lựa chọn mặt bằng cho chi nhánh thứ ba.
Quán chủ yếu đông khách vào buổi tối hoặc cuối tuần. Còn ngày thường, nhiều người tranh thủ ghé mua xôi ăn sáng trước giờ đi học, đi làm. Và lượng đơn lớn nhất đến từ các ứng dụng đặt đồ ăn. Trung bình mỗi ngày, anh Long ước tính bán được 1.000 suất xôi ở cả hai cửa hàng.
Xôi xéo vàng ruộm ăn kèm pate, chả, thịt. Ảnh: Phong Kiều
Được xem là "vedett" của quán, xôi xéo hấp dẫn thực khách bởi thứ màu vàng ruộm bắt mắt, hạt xôi dẻo và thơm, độ ấm nóng vẹn nguyên cả khi miếng xôi đã trôi xuống cuống họng. Những lát đậu xanh mịn, bùi cùng những sợi hành phi giòn rụm nâng đỡ thêm vị ngon nơi đầu lưỡi.
Xôi ngô, xôi gấc và xôi trắng cũng giữ được hương vị đặc trưng của làng xôi cổ truyền Phú Thượng ở vùng Tây Hồ trên đất thủ đô. Từng loại đựng trong những chiếc thúng để giữ nóng trong suốt buổi bán hàng.
Anh Long cho rằng một phần xôi xéo đậu xanh - hành giá 18.000 đồng vừa vặn cho bữa ăn đầu ngày của mỗi người. Nếu thích một chút vị mằn mặn cho phần ăn, thực khách có thể ăn kèm ruốc (chà bông). Trong số các loại đồ ăn kèm, gà xé da giòn, thịt ngọt cùng chả mỡ nướng đậm mùi thơm là hai món tốn xôi nhất. Tùy lượng toping, suất ăn dao động 33.000 - 70.000 đồng.
Xôi ngô để lâu dễ lên men, mất hương vị. Do đó mỗi ngày, chủ quán chỉ làm lượng ít loại này, thường bán hết trước 9h sáng. Một số thực khách thích ăn lẫn xôi ngô và xôi xéo, quán cũng phục vụ. Mỗi phần xôi đi kèm một chén nước thịt kho và một ít dưa leo muối xổi để chống ngấy. Trà đá được phục vụ miễn phí.
Thịt gà xé da giòn, thịt ngọt đưa đẩy thêm vị ngon của miếng xôi. Ảnh: Phong Kiều
Anh Long kể lúc mới mở bán, vợ chồng anh thử nhiều nguyên liệu ở miền Nam nhưng không ưng ý. Anh chị quyết định tìm nguồn hàng từ Hà Nội chuyển vào. Mỗi tuần, anh chị có ít nhất một chuyến gồm một tấn gạo nếp cùng ngô nếp và các loại thực phẩm để làm pate, ruốc. Riêng chả, anh đặt mua của một hiệu có tiếng ở làng cổ truyền Ước Lễ. Chả vừa làm xong, đợi bớt nóng, cấp đông và chuyển mỗi đợt 300 kg vào TP HCM.
Hằng ngày, vợ chồng anh Long chuẩn bị từ tờ mờ sáng, mở bán lúc 6h đến khoảng giữa trưa. Chiều, họ bán tiếp từ 16h30 đến khoảng 20h30 hoặc 21h. Từ những ngày đầu kinh doanh, anh Long đã nhận thấy sức cạnh tranh lớn của ngành hàng ẩm thực Bắc tại TP HCM. Dù vậy, anh kiên trì giữ đúng hương vị xôi của làng Phú Thượng, quê hương bà xã, tạo thương hiệu riêng cho quán của mình.
Anh Long bày tỏ: "Một số người mới làm dễ có tâm lý sốt ruột, lựa chọn gia giảm hương vị để hợp với người dân miền Nam, khiến họ khó định vị được đối tượng khách hàng. Quán tôi định hướng phục vụ người gốc Bắc ở Sài Gòn hoặc người miền khác nhưng yêu thích ẩm thực Hà Nội. Tôi thấy may mắn vì nhiều người hiểu được cái tâm của chúng tôi".
Nguồn: https://ngoisao.vnexpress.net/